Học tập có lỗi hay cha mẹ có lỗi

Học tập có lỗi hay cha mẹ có lỗi

Gần đây, báo mạng có đăng tin về sự việc các chiến sĩ cứu hỏa đã giải cứu thành công một bé gái 14 tuổi đang có ý định t.u t.u do áp lực học tập. Đó đáng lẽ phải là một tin vui cho tới khi độc giả nhấn vào mục bình luận trong trang tin tức. Ở đó đầy rẫy các comment của những người đáng tuổi cha, bác cô bé, buông những lời coi nhẹ, không hay về nạn nhân, coi cô bé như một phản ứng thái quá của giới trẻ với mạng xã hội internet. Từ bao giờ, con người lại thiếu sự đồng cảm và sẵn sàng buông lời cay đắng đối với một cô bé nhỏ tuổi có một tâm hồn tổn thương như vậy?
 

 

Hầu hết các học sinh có thái độ tiêu cực trong học tập, thậm chí là áp lực tới mức cùng đường đều là do một câu nói “con nhà người ta” của cha mẹ. Quay ngược về thời đại trước, khi con chữ là một ước mơ, cả làng chỉ có một người đậu đại học, chúng ta coi học vấn là một dấu hiệu cho sự thành công trong những năm đầu của một con người. Tuy nhiên, ngày nay, điều đó không đúng nữa. Khả năng và tư duy, quan điểm và sự sáng tạo của một đứa trẻ không nằm trên tờ giấy với điểm số, nó nằm trong những gì mà đứa trẻ đó có thể phản ứng với môi trường. Không ít phụ huynh chỉ biết đốc thúc con cái học tập một cách cực đoan, thậm chí định hướng ngay cả những ước mơ của con trẻ. “ Nếu con thi đỗ Ngoại Thương thì sao” - mẹ sẽ rất tự hào về con. Vậy nếu con lớn lên làm một ông chủ bán khoai nướng thì sao.

 

 

Câu trả lời nên là “ Mẹ cũng sẽ rất tự hào về con”. Khi ấy, nếu con nướng ra được một củ khoai vừa ngọt, vừa mềm, làm nhiều người hạnh phúc, mẹ cũng sẽ rất vui mừng. Khả năng của một con người không nhất thiết phải là học hành tài giỏi, đức cao vọng trọng. Suy cho cùng ngay cả những đứa trẻ và chúng ta cũng chỉ đang vật lộn để đáp ứng những nhu cầu của xã hội, đổi lấy sự tự do và cơm ăn áo mặc hằng ngày. Vậy tại sao chúng ta không thể thông cảm cho con, không dồn ép con học hành và chia sẻ cùng con? Hãy nhớ, khi bạn đánh rơi lọ đũa, con là người chạy lại nhặt đũa với bạn, luôn miệng an ủi bạn không sao, vậy lần sau khi con không may được điểm kém, hãy nhẹ nhàng an ủi con cái. Những đứa trẻ khi chọn cách ra đi thì chắc chắn trong lòng đã có một vết thương không thể cứu vãn. Học tập có lỗi hay ba mẹ có lỗi? Đó vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ nơi đáy lòng mỗi bậc cha mẹ trong gia đình.

← Bài trước Bài sau →